I. Mở đầu
Bệnh răng miệng, trong đó chủ yếu là bệnh sâu răng và viêm nướu vẫn là những bệnh phổ biến nhất của nhân loại, đây là những loại bệnh mang tính dịch tễ. Ở Việt Nam tỉ lệ mắc bệnh còn cao và tăng dần theo tuổi.
Bảng 1: Điều tra cơ bản sức khỏe răng miệng quốc gia năm 1990
Trong những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Y tế, sự phối hợp chặt chẽ của Bộ Giáo dục – Đào tạo, sự hưởng ứng tích cực của chính quyền…, nhiều chương trình chăm sóc và phòng bệnh cho cộng đồng đã được đặt ra, và phấn đấu đạt được mục tiêu đề ra đến năm 2000 là:
- 50% trẻ 5 – 6 tuổi không bị sâu răng sữa.
- SMT < 2 ở lứa tuổi 12.
- 85% người 18 tuổi giữ được toàn bộ răng.
- 75% người 35 – 44 tuổi còn 20 răng.
- 50% số người trên 65 tuổi còn 20 răng.
Tuy nhiên, sau 10 năm thực hiện, qua cuộc điều tra sức khoẻ răng miệng toàn quốc lần thứ 2 vào năm 2000 cho thấy sâu răng ở lứa tuổi 12 duy trì ở mức tương đối ổn định (56,6% ; SMT 1,87), nhưng ở lứa tuổi 15 và 35 – 44 thì tỉ lệ sâu răng gia tăng (67,6% ở 15 tuổi và 83,2% ở 35 – 44 tuổi). Tỉ lệ người có bệnh nha chu còn rất cao ở mức 96,7%, trong đó có 31,8% người có túi nha chu nông và sâu.
Mặt khác bệnh mắc rất sớm và gặp ở mọi giới, mọi lứa tuổi, nghề nghiệp, trình độ văn hóa, tầng lớp xã hội, dân tộc, mọi vùng địa lý khác nhau .
Ngoài ra bệnh còn ảnh hưởng đến năng suất lao động, kinh tế (quốc gia, cá nhân), còn dẫn đến những biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe toàn thân và thẩm mỹ.
Dự phòng bệnh răng miệng là một nội dung của chương trình chăm sóc răng ban đầu nhằm đem lại sức khỏe răng miệng cho mọi người với nguồn tài chính giới hạn, cho nên trong điều kiện kinh tế xã hội nước ta, trang thiết bị và cán bộ chuyên khoa còn hạn chế thì chiến lược y tế quốc gia được đặt trên nền tảng dự phòng, nhằm hạ thấp tỉ lệ bệnh răng miệng và đạt được mục tiêu đề ra đến năm 2010, giảm tỉ lệ bệnh răng miệng trên 50%..
II. Các biện pháp phòng bệnh răng miệng
Muốn phòng bệnh răng miệng có hiệu quả thì phải biết chọn biện pháp thích hợp. Đầu tiên là làm cho nhân dân hiểu được tác hại của các bệnh về răng miệng, có ý thức tự giữ gìn hoặc cộng tác với cán bộ y tế để được chăm sóc tốt răng miệng. Muốn đạt mục đích ấy thì trước tiên cần phải làm công tác giáo dục sức khỏe răng miệng.
1. Giáo dục sức khỏe răng miệng
1.1. Định nghĩa
Giáo dục sức khỏe răng miệng là một nghệ thuật truyền bá các kiến thức tổng quát về nguyên nhân, triệu chứng, biến chứng, cách điều trị, dự phòng các bệnh răng miệng đến quần chúng, thay đổi tư tưởng và tập quán cũ nhằm cải thiện tốt sức khỏe răng miệng cho cộng đồng.
Giáo dục sức khỏe răng miệng là một biện pháp mà mọi người được hưởng đồng đều qua báo chí, truyền thanh, truyền hình …không phân biệt tầng lớp xã hội, kinh tế, văn hóa … Đây là một biện pháp dự phòng chủ động (nhân dân chủ động tham gia) nên cần có thời gian để người dân có thể thay đổi tập quán cũ, đồng thời trước khi giáo dục cần phải chú ý đến tập quán, phong tục, tín ngưỡng có thể làm cản trở việc từ bỏ thói quen cũ hoặc chấp nhận một thói quen mới, khả năng kinh tế, khả năng nhận thức, khả năng đáp ứng y tế đối với cộng đồng.
1.2 Mục tiêu
Mục tiêu chính của giáo dục sức khỏe răng miệng là cung cấp thông tin và kiến thức mới về sức khoẻ răng miệng để nhân dân quan tâm và tham gia công tác phòng bệnh răng miệng, biến hành động chăm sóc thành hành động tự chăm sóc.
1.3 Nội dung
1.3.1 Phổ biến những kiến thức cơ bản về răng miệng
- Chức năng của răng (nhai, phát âm, thẩm mỹ).
- Thời gian mọc răng và thay răng cùng những biến chứng khi mọc răng. Hàm răng sữa của trẻ cần thiết cho ăn nhai, phát triển cơ thể, khuôn mặt, giữ cho răng vĩnh viễn mọc khỏi lệch lạc…, vì thế không nên xem thường việc săn sóc răng sữa.
- Nguyên nhân, triệu chứng, biến chứng, của bệnh sâu răng và nha chu.
- Vai trò của mảng bám răng trong bệnh sâu răng và nha chu.
- Nguyên nhân, triệu chứng của ung thư vùng miệng.
- Tác hại của thuốc lá, trầu cau, rượu đối với ung thư vùng miệng.
- Cách phát hiện sớm các bệnh răng miệng (chấm đen trên răng, đau khi ăn uống nóng lạnh, chảy máu nướu, vết loét không lành sau 10 ngày điều trị kháng sinh, vết trắng, hồng, nâu ở niêm mạc miệng, vết sùi chảy máu không đau ….).
1.3.2 Phổ biến cách giữ gìn vệ sinh răng miệng đúng phương pháp
Vệ sinh răng miệng là tổng hợp những biện pháp hướng tới việc làm sạch xoang miệng đặc biệt là răng, nướu, bao gồm chải răng và súc miệng kỹ sau khi ăn, dùng tăm xỉa răng, chỉ nha khoa.
- Chải răng và súc miệng sau khi ăn
Là một công việc hết sức nhẹ nhàng mà hữu ích, nhưng vẫn còn nhiều người chưa quan tâm cho đó là công việc tầm thường không quan trọng. Thật ra đây là một biện pháp hữu hiệu nhất, dễ làm nhất, rẻ tiền nhất để giữ gìn vệ sinh răng miệng phòng bệnh sâu răng và nha chu.
Chải răng là để lấy đi những mảnh vụn thức ăn, màng bám làm giảm mức thấp nhất sự hiện diện của vi khuẩn, đồng thời còn xoa nắn lợi nhẹ nhàng và làm sạch vùng khe lợi.
Nếu chải răng đã trở thành một thói quen hàng ngày thì chải răng là một công việc không khó và không mất thời gian, chải răng thật kỹ sau khi ăn và trước khi ngủ tốt hơn chải nhiều lần mà cẩu thả. Muốn chải răng có kết quả (sạch sẽ) cần phải chọn bàn chải và chải răng đúng phương pháp.
- Chọn và giữ gìn bàn chải: bàn chải sau khi dùng rẩy khô và để nơi thoáng, khi lông bàn chải bị tưa thì phải thay bàn chải khác
- Phương pháp chải: có nhiều phương pháp nhưng phương pháp Bass dễ thực hiện và làm sạch được mảng bám ở cổ răng, rãnh nứơu và kẻ răng, đồng thờiì kích thích nướu.
- Mặt ngoài: Đặt lông bàn chải tại cổ răng, nghiêng một góc 450, hướng về phía nướu (so với trục răng). Cử động tới lui nhẹ tại chỗ, vừa ép vừa đè cho lông bàn chải đi vào rãnh nươú và kẻ răng, sau đó hất xuống về phía mặt nhai. Mỗi vùng làm 5-6 lần rồi chuyển sang vùng khác.
- Mặt trong cũng như trên
- Mặt nhai chải tới lui hay xoay tròn
- Thời gian chải: tốt nhất chải sau khi ăn, hoặc một lần (tối) hoặc 2 lần (sáng, tối)
- Tăm xỉa răng: chỉ dùng để khều thức ăn giắt ở kẻ răng, không dùng để xỉa tới lui ở các kẻ răng vì sẽ rộng kẻ và mòn men răng.
- Chỉ nha khoa dùng để lấy thức ăn ở những kẽ sít
1.3.3. Phổ biến về vấn đề dinh dưỡng trong bệnh răng miệng
Dinh dưỡng (chất lượng, số lượng, số lần ăn) ảnh hưởng trực tiếp trên răng và vi khuẩn, làm gia tăng hoặc làm chậm các bệnh răng miệng.
Dinh dưỡng ảnh hưởng trước lúc mọc răng (cơ cấu, thành phần hóa học của răng), giai đoạn mọc răng và sau mọc răng (tạo môi trường nuôi dưỡîng, hoạt động của vi khuẩn trên răng, gia tăng mảng bám).
Vì vậy, chúng ta cần hướng dẫn dinh dưỡng cho cộng đồng để dự phòng và kiểm soát bệnh răng miệng của bản thân và gia đình. Hướng dẫn cách ăn, chất dinh dưỡng và dạng thực phẩm.
- Chất dinh dưỡng
Các thực phẩm tốt cho sức khỏe toàn thân cũng như cho răng gồm :
- Calci: có trong sữa, phôma, đậu nành, thận, các loại đậu, rau cải, bông cải xanh, tôm cua …
- Vitamin C: có trong cam, chanh, cà chua, các loại rau cải xanh.
- Vitamin D: có trong cá biển
- Carbohydrat: có trong gạo, bánh mì, đường
- Protide: có trong các loại thịt, cá, trứng, đậu khô
Tuy các chất dinh dưỡng đều cần thiết cho sức khỏe toàn thân, nhưng chúng ta nên tăng cường ăn những chất dinh dưỡng có chứa nhiều Calci, vitamin C, vitamin D, protide, còn giảm ăn các loại carbohydrat.
- Cách ăn
Nên ăn đúng bữa, đúng lúc, đủ các loại dinh dưỡng, tránh ăn vặt nhiều lần trong ngày.
- Dạng thực phẩm
Nên ăn loại tự nhiên không nên ăn các loại được chế biến, thực phẩm tươi có nhiều chất xơ làm sạch răng, còn thực phẩm bám dính dễ gây sâu răng, viêm nướu.
1.3.4. Phổ biến các thói quen, tập quán có hại cho răng miệng
Một số thói quen xấu có thể gây ảnh hưởng đến răng như cắn nút chai, cắn chỉ, xỉa răng, bú đêm… hoặc ảnh hưởng đến sự phát triển xương hàm, khớp cắn như mút tay, thở miệng… Ăn trầu, hút thuốc lá vấn có thể gây ung thư, vì vậy chúng ta cần phải giáo dục cho cộng đồng, hầu làm thay đổi các thói quen có hại cho răng miệng.
2. Tăng sức đề kháng của răng
Để tăng cường sức đề kháng của răng đối với các tác nhân gây sâu răng, chúng ta có thể sử dụng rộng rãi Fluor và các chất trám bít hố rãnh.
2.1. Sử dụng Fluor
Hiện nay Fluor được dùng rộng rãi trên thế giới để phòng ngừa bệnh sâu răng. Fluor là một chất dinh dưỡng giúp cho sự tăng trưởng, Fluor biến hydroxyapatit của men răng thành fluoroapatit giúp răng khó hòa tan trong acit, tăng tái khoáng hóa, ngăn cản sự bám dính của vi khuẩn… Fluor diệt vi khuẩn sâu răng đặc biệt ở pH thấp (pH < 5,5) Fluor có trong thực phẩm như cá, trà, bia… Fluor tác dụng tốt trên bề mặt láng của men răng, Fluor có thể sử dụng dưới nhiều hình thức.
2.1.1. Toàn thân (ăn uống)
Fluor dùng toàn thân có lợi cho răng đang hình thành và răng đã mọc, Fluor ngấm vào men răng đồng thời vào máu và tiết qua các tuyến nước bọt, dịch nướu để tẩm các mặt răng. Để cung cấp fluor toàn thân ta có thể chọn 1 trong 4 cách sau:
- Fluor hóa nước máy (0,7 – 1 ppm) chi phí thấp, hiệu quả cao, an toàn, là một biện pháp sức khỏe cộng đồng công bằng nhất, không đòi hỏi sự hợp tác có ý thức của người được hưởng.
- Fluor hóa nước uống tại các trường học gấp 4 lần Fluor nước máy, sử dụng ở các trường ngoại ô nơi không có nước máy.
- Muối Fluoride: 250mg/1kg muối
- Viên Fluor (Sodium Fluoride: NaF hoặc Acide lated, Phosphate, Fluor: APF) được dùng ở những vùng có nồng độ fluor trong nước thấp hơn 0,3 ppm và uống từ lúc mới sinh đến 6 tuổi với liều lượng 0,05mg/kg/ngày hoặc:
- 0 – 2 Tuổi: 0,25 mg/ngày
- 3 Tuổi: 0,5 mg/ngày
- 4 Tuổi: 0,75 mg/ngày
- 5 – 6 Tuổi: 1 mg/ngày
Viên fluor được nhai trong vòng 30 giây để cho tiếp xúc với mặt răng rồi nuốt hoặc ngậm cho tan dần trong miệng.
2.1.2. Tại chỗ
Fluor dùng tại chỗ có tác dụng hữu hiệu cho người lớn và trẻ em trên răng đã mọc và có nhiều dạng sử dụng :
- Súc miệng với nước NaF 0,2 % 1 tuần 1 lần
- Thoa hoặc đeo máng có Gel Fluoride
- Kem đánh răng có Fluor
2.2. Trám bít hố rãnh
Đây là một phương pháp để dự phòng sâu răng ở hố rãnh, vì Fluor chỉ có tác dụng ngừa sâu răng ở mặt láng của răng, do đó để làm giảm sâu răng ở hố rãnh, người ta phủ một loại vật liệu có tính chất bám dính tốt lên các trũng và rãnh của răng để làm mất đi yếu tố lưu giữ thức ăn. Tốt nhất là cho tất cả trẻ em, nhưng do giá thành cao nên chúng ta chỉ chọn những em có nguy cơ sâu răng và những răng có trũng, rãnh sâu, chủ yếu cho các răng cối sữa ở trẻ 3 – 4 tuổi và răng cối lớn thứ 1 ở trẻ 6 – 7 tuổi, răng cối nhỏ thứ 1, 2 và răng cối lớn thứ 2 ở trẻ 11 – 13 tuổi.
3. Kiểm soát mảng bám
Dự phòng và kiểm soát bệnh nha chu chủ yếu dựa vào việc làm sạch mảng bám. Khi kiểm soát mảng bám định kỳ, bác sĩ có thể chỉ cho bệnh nhân các vùng chải chưa sạch và hướng dẫn các biện pháp làm sạch hữu hiệu hơn, đồng thời loại trừ cao răng để điều trị viêm nướu ngay từ giai đoạn đầu.
4. Khám răng định kỳ
Hàng năm tổ chức khám rộng rãi cho cộng đồng, hoặc khuyến khích nhân dân nên đi kiểm tra răng miệng định kỳ, đặc biệt là trẻ em, nhằm phát hiện sớm tổn thương, đánh giá tình hình bệnh tật, và điều trị sớm hạn chế gây biến chứng .